Sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai: Tiêm trước khi rạch da hay sau khi kẹp dây rốn?
Sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai: Tiêm trước khi rạch da hay sau khi kẹp dây rốn?
Kháng sinh dự phòng
thường được sử dụng trong vòng 60 phút trước khi rạch da với phẫu thuật nói
chung, bao gồm cả mổ lấy thai nhưng do quan ngại về ảnh hưởng của kháng sinh
lên trẻ, một số ý kiến cho rằng nên sử dụng kháng sinh sau khi lấy thai (sau
khi kẹp dây rốn). Đây là vấn đề gây tranh cãi trong các hướng dẫn điều trị và
đã được nhiều nghiên cứu đưa ra phân tích.
Về vấn
đề này, tại Việt Nam, Hướng dẫn Sử dụng Kháng sinh (2015) có nêu:
"Đối với phẫu thuật mổ lấy thai, kháng sinh dự phòng có thể dùng trước khi
rạch da hoặc sau khi kẹp dây rốn để giảm biến chứng nhiễm khuẩn ở mẹ"
nhưng cũng có đoạn "Nhiều tác giả lựa chọn thời điểm tiêm sau khi kẹp dây
rốn vì lo sợ kháng sinh vào máu của trẻ sơ sinh có thể gây ra một số bất lợi.
Nhưng để đạt được nồng độ kháng sinh tại vị trí vết mổ trước khi rạch da
thì cần tiêm kháng sinh dự phòng trước 30 phút. Trong một nghiên cứu đối
với cefazolin cho thấy tiêm kháng sinh trước khi rạch da làm giảm nguy cơ nhiễm
khuẩn cho mẹ hơn là sau khi kẹp dây rốn nhưng không có bất lợi cho thai".
Như vậy, kháng sinh dự phòng tiêm trước khi rạch da vẫn được ưu tiên hơn [1].
Còn Hướng dẫn Quốc gia về các Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản (2016), lại
nêu: "Trong trường hợp phẫu thuật lấy thai, một liều kháng sinh dự phòng
cần được cho ngay sau khi cặp dây rốn. Nếu phẫu thuật kéo dài trên 6 giờ hoặc
mất máu nhiều (ước khoảng trên 1000 ml) phải cho liều thứ hai để duy trì nồng
độ kháng sinh trong máu" [2].
Thực
tế, trên thế giới, đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Các tổng quan hệ
thống và phân tích gộp mới công bố gần đây đều ủng hộ cho việc sử dụng kháng
sinh trước khi rạch da hơn so với sau khi kẹp dây rốn trong mổ lấy thai. Tổng
quan hệ thống của Cochrane (2014), tổng hợp dữ liệu từ 10 TNLS ngẫu nhiên có
đối chứng (với hơn 5400 bệnh nhân nữ) cho thấy, việc sử dụng kháng sinh trước
khi rạch da làm giảm gần một nửa nguy cơ nhiễm trùng chung (43%), viêm nội mạc
tử cung (46%) và nhiễm trùng vết mổ (41%) so với sử dụng kháng sinh sau khi kẹp
dây rốn. Không có sự khác nhau giữa nhóm bệnh nhân được sử dụng kháng sinh
trước khi rạch da và sau kẹp dây rốn về nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh. Cũng không
ghi nhận sự khác biệt giữa hai nhóm về nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu và nhiễm
trùng hô hấp ở người mẹ và các hậu quả bất lợi khác ở trẻ sơ sinh [3]. Một phân
tích gộp mới công bố gần đây (năm 2018) tổng hợp 18 TNLS ngẫu nhiên có đối
chứng, cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, nguy cơ viêm nội mạc tử cung giảm
43% và nguy cơ nhiễm trùng vết mổ giảm 38% khi sử dụng kháng sinh dự phòng
trước khi rạch da so với sau khi kẹp dây rốn. Các hậu quả bất lợi trên trẻ sơ
sinh như tử vong do nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, cần sử dụng kháng sinh điều
trị, nhập khoa ICU, gặp biến cố bất lợi liên quan đến kháng sinh không khác
biệt hoặc khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm. Các kết quả trên
rõ ràng ủng hộ cho việc sử dụng kháng sinh trước khi rạch da hơn so với sau khi
kẹp dây rốn trong mổ lấy thai [4].
Về
hướng dẫn điều trị, Hướng dẫn của NICE (Anh) năm 2010, của ACOG
(Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ) năm 2011 và WHO năm 2015 cũng đều
khuyến cáo việc sử dụng kháng sinh trước khi rạch da trong mổ lấy thai [5],
[6]. WHO khuyến cáo tốt nhất nên sử dụng kháng sinh trong vòng 30 - 60 phút
trước khi rạch da. Tuy nhiên, WHO cũng cho rằng, sử dụng kháng sinh sau khi kẹp
dây rốn vẫn có thể đem lại hiệu quả và có thể cân nhắc việc sử dụng ngoài khung
giờ "lý tưởng" nói trên tùy trường hợp. Điều này có ý nghĩa quan
trọng trong các trường hợp mổ lấy thai cấp cứu, khi việc sử dụng kháng sinh
theo khung giờ "lý tưởng" không khả thi [7].
Tài
liệu tham khảo
1. Bộ Y
tế (2015), "Hướng dẫn Sử dụng Kháng sinh" (Ban hành kèm theo
Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 02/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế), trang 41,
178.
2.
Bô Y tế (2016), "Hướng dẫn Quốc gia về các Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Sinh
sản" (Ban hành kèm theo Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ
trưởng Bộ Y tế), trang 12.
3.
Mackeen AD, et al (2014), "Timing of intravenous prophylactic antibiotics
for preventing postpartum infectious morbidity in women undergoing cesarean
delivery", Cochrane Database of Systematic Reviews, 12, Art.
No.: CD009516.
4.
Claudia Bollig, et al (2018), "Prophylactic antibiotics before cord
clamping in cesarean delivery: a systematic review", Acta Obstet
Gynecol Scand, 97(5):521-535. doi: 10.1111/aogs.13276.
5. The
American College of Obstetricians and Gynecologists (2010), "Committee
opinion no. 465: antimicrobial prophylaxis for cesarean delivery: timing of
administration", Obstet Gynecol, 116(3):791-2. doi:
10.1097/AOG.0b013e3181f68086.
6.
National Institute for Health and Care Excellent (2011), "Caesarean
section", http://nice.org.uk/guidance/cg132.
7.
World Health Organization (2015), "WHO recommendations for prevention and
treatment of maternal peripartum infections", p. 38.