A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cân biêt về bệnh loãng xương, phòng bệnh và điều trị

 

1. Loãng xương là gì:

Loãng xương là bệnh về xương phổ biến nhất ở người, và xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa số lượng xương mới hình thành và số lượng xương cũ bị phá vỡ. Loãng xương xảy ra khi mật độ khoáng xương của một người (về cơ bản là cấu tạo bên trong xương) bị giảm đi và cấu trúc của xương bị thoái hóa làm tăng nguy cơ gãy xương. Có một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và có thể khiến cho chị em tăng khả năng bị loãng xương. Trong khi đó một số thực phẩm khác hoàn toàn có tác dụng ngược lại.

(Ảnh sưu tầm)

* Các dấu hiệu và triệu chứng của loãng xương là?

- Gãy xương là một dấu hiệu rõ ràng của chứng loãng xương. Nói chung, sau khi xương bị suy giảm nặng thì gãy xương rất dễ đột ngột xảy ra. Gãy xương cột sống có thể dẫn đến giảm chiều cao, đau lưng, và biến dạng cột sống. Gãy xương hông có thể phải nhập viện và phẫu thuật. Ngoài ra còn có một số bệnh có thể tăng nguy cơ loãng xương, bao gồm HIV/AIDS, bệnh tiểu đường, máu khó đông, bệnh viêm ruột, bệnh gan, bệnh đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp, và hội chứng kém hấp thu.

* Một số yếu tố nguy cơ không đổi nhưng có liên quan đến loãng xương: Thật không may, có một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và có thể khiến cho một số người tăng nguy cơ bị loãng xương. Các yếu tố này bao gồm:

- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc chứng loãng xương cao hơn gấp 4 lần so với nam giới. Ngoài ra, phụ nữ da trắng sau mãn kinh cũng dễ bị loãng xương.

- Gen: Yếu tố gia đình là một nguy cơ đáng kể. Nếu trong gia đình bạn có người bị loãng xương, khả năng bạn cũng bị loãng xương là khó tránh khỏi. Người có thân hình mỏng hoặc thanh mảnh: Người có thân hình, vóc dáng nhỏ sẽ càng có nhiều khả năng bị loãng xương dẫn đến gãy xương.

- Chủng tộc: Loãng xương có thể xảy ra trong tất cả các chủng tộc, nhưng những dân tộc da trắng (đặc biệt là Bắc Âu) và dân tộc châu Á có nguy cơ loãng xương cao hơn so với các chủng tộc da đen và Latin.

- Tuổi tác cao: Tuổi tác càng cao thì nguy cơ phát triển bệnh loãng xương càng tăng. Đối với phụ nữ, nguy cơ loãng xương cao hơn bởi vì họ bị thiếu hụt estrogen trong thời kỳ mãn kinh.

* Những yếu tố có thể làm thay đổi quá trình loãng xương: Mặc dù có một số yếu tố nguy cơ không thể thay đổi nhưng các nhà khoa học đã chứng minh rằng, các biện pháp có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi đầu của loãng xương là có tồn tại:

- Bổ sung canxi và vitamin D: Vì xương bao gồm chủ yếu là canxi nên một lượng canxi đầy đủ là điều cần thiết cho sức khỏe của xương. Nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa, sữa chua, pho mát, rau màu xanh đậm (ví dụ như bông cải xanh, bắp cải, cải Brussels...), cam, bột yến mạch, hạnh nhân, cá mòi và nghêu, hàu, cá hồi... Nếu chế độ ăn uống không cung cấp đủ canxi, hãy bổ sung từ sữa. Mỗi ngày, mỗi người trưởng thành cần bổ sung 1.200mg canxi và 800-1.000 IU vitamin D để làm giảm nguy cơ mất xương và gãy xương. Phụ nữ sau mãn kinh cần bổ sung 1.500mg canxi mỗi ngày.

- Magiê và kali: Rất nhiều trái cây và rau quả có thể giảm nguy cơ loãng xương vì trong hoa quả có nhiều magiê và kali. Mỗi ngày bạn nên ăn 05 loại trái cây và rau quả để đảm bảo đủ lượng magiê và lượng kali cho cơ thể.

- Muối: Khi lượng canxi trong cơ thể thấp, cơ thể sẽ hấp thu lượng natri thừa. Điều này có thể làm tăng sự bài tiết canxi. Do đó, nên hạn chế lượng muối ăn (không nên ăn mặn).

- Caffeine: Đối với những người có nguy cơ loãng xương cao, lượng caffeine vào cơ thể quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến mật độ xương. Vậy nên, không được uống quá 03 tách cà phê mỗi ngày, 05 phần nước lọc và các loại trà có chứa caffeine khác.

- Vitamin C: Vitamin C tham gia vào việc sản xuất collagen, hỗ trợ một cấu trúc xương khỏe mạnh. Hãy chắc chắn rằng bạn đã bổ sung đủ vitamin C hàng ngày, chẳng hạn như trái cây họ cam quýt, kiwi, dâu tây, ớt ngọt và cà chua.

- Béo phì: Béo phì không tốt và một trong số những hậu quả của nó là loãng xương. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên duy trì một trọng lượng cơ thể trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, để giảm cân, hãy chắc chắn rằng bất kỳ chế độ ăn uống nào cũng phải bao gồm đầy đủ protein, vitamin, canxi và khoáng chất để tránh tình trạng cơ thể bị thiếu chất.

- Rượu: Uống nhiều rượu cũng làm cho mật độ, khối lượng xương thấp hơn. Ngoài ra, uống rượu quá mức thường được đi kèm với một chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, cộng với hút thuốc lá, điều này thực sự không tốt cho cơ thể. Hạn chế uống rượu bằng cách luôn ghi nhớ công thức sau: một ly mỗi ngày cho phụ nữ và hai ly mỗi ngày cho nam giới.

- Hút thuốc lá: Khói thuốc ức chế hoạt động của các nguyên bào xương, tế bào xương chịu trách nhiệm xây dựng xương mới. Do vậy, hút thuốc sẽ hủy hoại xương là điều hoàn toàn rất dễ xảy ra.

- Lười vận động: Một chế độ chăm chỉ vận động thể chất sẽ giúp xây dựng khối lượng xương. Các bài tập aerobic, đi bộ, chạy bộ... rất tốt cho xương. Tuy nhiên, tránh tập thể dục quá sức dẫn đến giảm quá mức hoặc nhanh chóng làm thiệt hại liên tục đến xương.

            * Phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh: Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỉ trọng khoáng chất của xương kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương làm cho xương mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy dù bị chấn thương rất nhẹ, thậm chí có thể gãy tự nhiên. Bệnh loãng xương thường gặp ở người cao tuổi, nhất là nữ giới sau mãn kinh và là nguyên nhân dẫn đến gãy xương, tàn phế nếu không biết cách phòng ngừa.

2. Biểu hiện khi bị loãng xương:

- Đau cột sống: Đau cột sống lưng hoặc cột sống thắt lưng cấp xảy ra sau 1 tuần và tương ứng với việc nén xương đột ngột do gắng sức nhẹ, ngã hoặc một động tác sai. Tiếng kêu rắc khi vận động thường đi kèm với đau, có khi buộc phải nằm nghỉ. Cơn đau cấp tính liên hệ tới sự nén cột sống kinh diễn, nặng lên khi có một gắng sức do ngồi hoặc đứng ở tư thế kéo dài, đỡ đau khi nghỉ ngơi.

- Biến dạng cột sống: thường nặng và sau nhiều năm mới xảy ra, lưng còng, xẹp đốt sống, chiều cao giảm dần theo tuổi (sự giảm này có thể bằng hoặc giảm quá 12cm). Khi sờ có thể thấy các xương sườn ở cuối cùng chạm mào chậu. Đến giai đoạn này thì sự giảm chiều cao sẽ ngừng lại.

- Gãy xương: thường ở phần thấp cẳng tay, cổ xương đùi, cổ xương cánh tay, xương sườn và cột sống. Thấy rất đau cột sống và mất đi sau nghỉ ngơi 4-6 tuần, không gây ra ép tủy; gãy xương đùi có thể nguy hiểm cho người bệnh vì các biến chứng do nằm lâu ảnh hưởng tới vận động trong tương lai; Nén đốt sống thường xảy ra ở tuổi 55-70, còn gãy cổ xương đùi thường xảy ra muộn hơn; gãy xương chậu cũng thường xảy ra.

3. Điều trị và phòng bệnh:

Điều trị bệnh loãng xương bao gồm những biện pháp như: thuốc chống đau giãn cơ, vận động thể dục thể chất phù hợp (đặc biệt duy trì trọng lượng cơ thể, tập lưng thẳng, tập bụng). Đề phòng té ngã khi đi đứng, chế độ ăn hợp lý, giảm hoặc ngưng các yếu tố nguy cơ, sử dụng nẹp lưng chỉnh hình, sử dụng thuốc điều trị thích hợp. Chúng ta cũng biết rằng, cùng với tuổi tác, canxi cũng giảm từ từ một cách không tránh được, từ 20-80 tuổi khối lượng xương mất theo tuyến tính khoảng 30%. Ở phụ nữ nặng hơn vì thêm rối loạn sau mãn kinh, tỷ lệ có thể tới 40% ở tuổi 80. Để phòng bệnh hiệu quả, các biện pháp sau đây cần được chị em quan tâm đúng mực.

- Liệu pháp vận động: không vận động nhất là bệnh nhân bị bất động tại giường sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương trong các đợt đau cấp đúng vào lúc cột sống xảy ra nên cột sống bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc chống đau. Nhưng tránh bất động hoàn toàn. Cần phải vận động thụ động và chủ động các chi để duy trì vận động các khớp và cơ, phòng các biến chứng nằm lâu. Trường hợp có điều kiện, cho bệnh nhân vận động trong bể nước nóng. Việc vận động trong bể nước nóng bị chống chỉ định khi có một bệnh phủ tạng kết hợp với loãng xương. Mặc áo nịt ngực cứng hoặc nửa cứng giúp bệnh nhân dễ ngồi dậy nhưng chỉ trong một vài tuần sau khi bị nén cột sống. Ngoài cơn đau phải hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ cột sống, thở nhẹ và sâu dần tránh vận động quá mạnh có thể gây gãy xương. Nếu có thể cho bệnh nhân bơi từng đoạn ngắn.

- Chế độ ăn: Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và đủ chất canxi. (thực phẩm giàu canxi là tôm, cua, trứng, sữa...). Trong điều kiện có thể, mỗi ngày nên uống 1/4 lít sữa tươi hoặc 2 hộp sữa chua. Thực ra, đề phòng loãng xương ở tuổi sau mãn kinh người ta phải chú ý tới chế độ ăn và luyện tập từ khi còn trẻ./.

Trần Thị Xuân Thúy (0949143993) - Phạm Hồng Thanh (0918144259)

Nhân viên Trạm Y tế p. Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức y tế