TUYÊN TRUYỀN VỀ DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI Bệnh Dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
TUYÊN TRUYỀN VỀ DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI Bệnh Dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bệnh Dịch tả heo Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra ở tất cả các giống heo (heo nuôi, heo cảnh và heo rừng). Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết lên đến 100% số heo mắc bệnh. Vi rút gây bệnh Dịch tả heo Châu Phi có thể sống rất khỏe và lâu ngoài môi trường; hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh Dịch tả heo Châu Phi. Tuy nhiên bệnh Dịch tả heo Châu Phi không lây sang người nên không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người.

Bệnh Dịch tả heo Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15
ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3 - 4 ngày. Tác nhân gây bệnh tả
heo châu Phi là vi rút có thể tồn tại đến 6 tháng trong dịch tiết, trong xác động
vật, trong thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo chưa nấu chín. Tuy nhiên, vi
rút này dễ dàng bị tiêu diệt ở môi trường nhiệt độ 100 độ C trong thời gian
chưa đến 1 phút.
Heo bị mắc
bệnh thuờng xuất huyết nhiều ở các hạch lympho, ở dạ dày, gan và thận. Thận có
xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng
bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực
hoặc xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề
mặt các cơ quan bên trong, túi mật sưng.
Các hộ kinh doanh thịt heo không nên mua bán, vận chuyển
heo và các sản phẩm từ heo, từ các vùng có dịch vào địa bàn, địa phương mình.
Không kinh doanh buôn bán chế biến heo bệnh. Không vứt bừa bãi thịt heo bệnh ra
môi trường.
Các lò giết mổ heo: cần tuân thủ các quy định nhà nước
về đăng ký kinh doanh, quy trình kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y, nhất là kiểm
tra nguồn gốc, xuất xứ heo đưa vào quy trình giết mổ, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch,
an toàn cho người tiêu dùng.
Người dân chỉ cần chú ý khi mua thịt heo đã qua kiểm dịch,
cảm quan sản phẩm tươi, không xuất huyết, không nổi hạch và nấu chín trước khi
sử dụng. Chúng ta hoàn toàn yên tâm rằng bệnh tả heo châu Phi chỉ gây bệnh trên
heo và không lây truyền sang người. Khi sử dụng các sản phẩm của heo thì cần phải
đảm bảo đã được các cơ quan kiểm định, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực
phẩm và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Không nên quá hoang mang, tẩy chay thịt
heo và các sản phẩm từ thịt heo.
- Cách chọn thịt heo:
+ Thịt heo khỏe mạnh có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm, thịt
săn chắc không nhũn nhão, đàn hồi tốt không rỉ dịch. Đường cắt thịt hơi rít, mặt
thịt khô ráo, cơ hơi se lại, lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà khi ngửi
không có mùi gắt, mặt khớp láng trơn, tủy bám chặt vào xương. Thịt ngon khi luộc
có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm của thịt, không có mùi lạ.
+ Thịt kém
chất lượng hoặc thịt heo bệnh, heo chết có màu đỏ bầm nhũn nhão, độ đàn hồi kém,
dịch rỉ nhiều, da có chấm xuất huyết, chân, ngực, bụng có màu tím xanh, lá lách
sưng to, tím bầm, phổi xẹp, dạ dày và ruột có nhiều vết xuất huyết. Lớp bì tím
bầm, nước luộc thịt đục không có mùi thơm, có khi còn có mùi hôi.
Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều thông tin sai sự
thật về bệnh tả heo châu Phi gây hoang mang dư luận làm cho người dân không dám
sử dụng, thậm chí tẩy chay với thịt heo.
Do đó, người dân nên cẩn trọng trước các thông tin lan
truyền không chính xác. Trong chế biến cần nấu chín thịt heo, không dùng thức
ăn tái hay tiết canh, yên tâm khi sử dụng thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo
tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định dịch bệnh
và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.