A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần biết về bệnh phong

Bệnh phong hay còn có tên gọi khác là bệnh Hansen (là một trong tứ chứng nan y khi khoa học còn chưa phát triển

Những điều cần biết về bệnh phong

Bệnh phong hay còn có tên gọi khác là bệnh Hansen (là một trong tứ chứng nan y khi khoa học còn chưa phát triển, đó là: Phong - lao - cổ - lại, hay bệnh phong cùi, bệnh lao, bệnh xơ gan cổ trướng và các loại bệnh ung thư), bệnh phong là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến da, dây thần kinh ngoại biên, bề mặt niêm mạc của đường hô hấp và mắt.

                      

Cho đến nay, cơ chế lây truyền chính xác của bệnh phong vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các thống kê cho thấy bệnh có thể lây truyền qua sự tiếp xúc giữa người bị bệnh và người khỏe mạnh, đặc biệt xu hướng lây truyền bệnh phong qua đường hô hấp đang gia tăng mạnh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây nhiễm qua côn trùng - vật trung gian.

          Bệnh phong ảnh hưởng nhiều nhất đến các dây thần kinh của tứ chi, da, niêm mạc mũi và đường hô hấp trên, gây viêm loét da, tổn thương thần kinh và yếu cơ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến dạng cơ thể và thậm chí là tàn tật vĩnh viễn. Ngoài ra, một số biến chứng khác cũng có thể xảy ra nếu loại bệnh này không được can thiệp: Rụng tóc và rụng lông, đặc biệt là lông mày, lông mi... Nghẹt mũi mãn tính, chảy máu cam và xẹp vách ngăn mũi. Viêm mống mắt. Tăng nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp - một trong những bệnh về mắt gây tổn thương đến thần kinh thị giác, gây mù lòa. Suy thận. Giảm năng lực sinh lý...

          Khi mắc bệnh phong, bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ quan sát. Một người bị bệnh có thể xuất hiện một đến nhiều dấu hiệu trong các dấu hiệu sau: Tổn thương trên da, mất cảm giác. Da xuất hiện các vệt màu. Yếu cơ, tê bì ở cánh tay, bàn chân, bàn tay và chân. Tổn thương da có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc nhiều, đôi khi có màu đỏ hoặc màu hồng. Điển hình các tổn thương da do bệnh phong thường có thể nhìn thấy được như đốm (da phẳng, khác màu), bị nổi các vết mẩn đỏ hoặc các nốt sần. Vấn đề mất cảm giác trên da đi kèm với yếu cơ là hệ quả của sự tổn thương dây thần kinh.

          Bệnh phong có thể được chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu lâm sàng của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện một số sinh thiết như lấy một mảnh da/dây thần kinh từ người bệnh và gửi đến làm xét nghiệm.

Các xét nghiệm da để chẩn đoán bệnh phong cũng sẽ được tiến hành để xác định loại bệnh bằng cách tiêm một lượng nhỏ vi khuẩn gây bệnh (nhưng đã bị bất hoạt) vào da, điển hình là ở cẳng tay trên. Những người mắc bệnh phong ở mức độ 1 hoặc mức độ 2 sẽ có kết quả dương tính tại vị trí tiêm.

          Cho đến nay, bệnh phong vẫn chưa có phương pháp phòng ngừa hay vắc xin nhất định. Do đó để không bị mắc bệnh phong, thực hiện biện pháp phòng tránh là chủ yếu. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ hơn về bệnh phong, không xa lánh, sợ hãi, tránh kỳ thị các bệnh nhân bị bệnh phong. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn uống, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Khi nghi ngờ có triệu chứng của bệnh phong, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tàn tật có thể xảy ra.

          Với sự phát triển của Y học hiện đại, bệnh phong đã không còn là loại bệnh quá nguy hiểm, có thể điều trị dứt điểm bằng phương pháp đa hóa trị liệu. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần duy trì tinh thần phòng ngừa bệnh để tránh sự lây lan ra cộng đồng hoặc sự tiến triển quá mạnh mẽ của bệnh, gây ra hậu quả đáng tiếc cho người bệnh phong./.

 

BSCKI.Phạm Hồng Thanh, (ĐT: 0918144259), Phòng Kế hoạch nghiệp vụ

Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức y tế