Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết:
Dấu hiệu điển hình là sốt cao 40 độ C và thường kèm theo ít nhất hai triệu chứng sau:
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Phát ban;
- Đau hốc mắt;
- Đau đầu dữ dội;
- Đau cơ hoặc đau khớp.
Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh sẽ khỏi trong vòng 01 tuần. Mặc dù vậy, khi sốt cao liên tục 3 ngày và có các triệu chứng như trên, phải đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng:
Một số trường hợp, bệnh sốt xuất huyết diễn biến có thể nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng.
- Đau bụng dữ dội
- Nôn mửa liên tục
- Chảy máu mũi (hay còn gọi là chảy máu cam)
- Chảy máu lợi
- Chảy máu dưới da giống như vết bầm tím.
- Cảm thấy mệt mỏi và bồn chồn
- Máu trong nước tiểu hay còn gọi là tiểu ra máu.
- Trong phân và chất nôn thấy có máu.
- Và cuối cùng, bệnh nhân có thể bị sốc; lạnh, da sần sùi; nhịp tim nhanh và hạ huyết áp.
Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, ngành Y tế khuyến cáo người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa và đậy kín các vật dụng chứa nước. Thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các bình bông, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào chén nước kê dưới chân tủ, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh,…
3. Loại bỏ các vật dụng phế thải, hốc nước tự nhiên như vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá, mảnh chai, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ. Đồng thời, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng để muỗi không có nơi đẻ trứng.
4. Ngủ mùng phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem đuổi muỗi, vợt điện… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
(nguồn Bộ Y tế)