Những điều cần biết về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối với người lao động và của toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động xảy ra là do người sử dụng lao động và người lao động không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) có ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối với người lao động và của toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động xảy ra là do người sử dụng lao động và người lao động không tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc về ATVSLĐ. Để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện là việc, chăm sóc sức khoẻ người lao động, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
ATVSLĐ là gì? An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động và Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khoẻ con người trong quá trình lao động. Nói cách khác an toàn lao động chính là giải pháp để không xảy ra tai nạn trong quá trình lao động. Còn vệ sinh lao động là giải pháp để giúp người lao động không bị các bệnh có liên quan đến ngành nghề đang làm.
Mục đích của ATVSLĐ là gì? Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ. Tuân thủ đầy đủ các biện pháp ATVSLĐ trong quá trình lao động, ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.
Lợi ích của ATVSLĐ? Điều gì sẽ xảy ra nếu như trong quá trình lao động chúng ta không thực hiện các biện pháp đảm bảo về ATVSLĐ. Nếu làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm thì tai nạn lao động rất dễ xảy ra. Vì vậy lợi ích lớn nhất khi thực hiện các biện pháp ATVSLĐ là ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ sức khoẻ và ngăn chặn mắc các bệnh nghề nghiệp.
Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động?
1. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:
- Nơi làm việc của người lao động có các yếu tố có hại phải có bảng nội quy viết rõ ràng và đặt tại nơi dễ nhìn thấy. Riêng đối với những nơi làm việc có các yếu tố gây bệnh nghề nghiệp thì phải thông báo cho người lao động biết và có các biện pháp dự phòng để người lao động tự phòng tránh tai nạn.
- Cần quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện làm việc trang bị máy móc, thiết bị an toàn, xây dựng qui trình nội quy huấn luyện về ATVSLĐ cho người lao động.
- Người lao động (kể cả người học nghề) trước khi vào làm việc phải được khám sức khỏe, người sử dụng lao động căn cứ vào sức khỏe của người lao động để bố trí việc làm và nghề nghiệp cho phù hợp.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện tốt các chế độ khác về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ đối với người lao động, đúng theo qui định của Nhà nước.
- Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ đầy đủ cho người lao động theo qui định và tuyên truyền, giáo dục cho người lao động tự giác chấp hành các qui định về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia vào tất cả các giải pháp cải thiện điều kiện lao động. Đặc biệt chú ý đến những người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
2. Trách nhiệm của người lao động:
- Phải chấp hành các qui định, nội quy về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ có liên quan đến công việc được giao. Có trách nhiệm sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị và các thiết bị an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc.
- Nâng cao hiểu biết, rèn luyện tính ý thức kỷ luật trong lao động không nên mãi chạy theo tiến độ năng suất mà quên đi nhiệm vụ hàng đầu là phòng ngừa tai nạn lao động.
- Phải báo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn khi có lệnh của người sử dụng lao động.
“Tóm lại, vì sức khỏe của người lao động, vì hạnh phúc của mỗi gia đình người lao động luôn thực hiện tốt công tác ATVSLĐ tại các cơ sở lao động sản xuất”./.
CN. Huỳnh Minh Trung, trưởng Khoa Y tế công cộng-An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng