A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động tăng cường phòng, chống bệnh dại

Tính từ ngày 01/1 - 20/2/2024 cả nước đã xảy ra 17 ca tử vong nghi dại/do dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 08 ca so với cùng kỳ năm 2023

 

Tính từ ngày 01/1 - 20/2/2024 cả nước đã xảy ra 17 ca tử vong nghi dại/do dại ở 13 tỉnh/thành phố, tăng 08 ca so với cùng kỳ năm 2023 (09 ca). Trước thực trạng số người tử vong do bệnh dại tăng cao như trên, để chú động tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 189/VSDTTƯ-BTN ngày 20/02/2024 về việc Cảnh báo gia tăng tử vong do bệnh dại và chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại năm 2024.

Những thông tin cần biết về phòng, chống bệnh dại?

Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa nắng nóng, đây là môi trường thuận lợi để bệnh dại do chó, mèo cắn/cào gia tăng. Đặc biệt, thói quen nuôi chó, mèo thả rông, trong khi việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi chưa được nhiều người quan tâm. Một số trường hợp khi bị chó, mèo dại cắn nhưng không đi tiêm phòng đã bị tử vong. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật chủ yếu là chó và mèo sang người qua vết cắn, vết cào xước trên da và niêm mạc bị tổn thương. Đây là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh dại rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, ngành chức năng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và tiêm phòng nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh dại; vết thương cần được rửa sạch với cồn 70 độ, cồn I ốt hoặc Povidone-iodine (nếu có); hạn chế làm dập nát vết thương và không băng kín vết thương; nhanh chóng đến ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại, tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa,

Mỗi cơ sở y tế nói chung và người dân nói riêng cần chủ động triển khai phát huy tốt hệ thống giám sát dịch dựa vào sự kiện (chữ viết tắt tiếng Anh: EBS) đã được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 2018/QĐ-BYT ngày 28/3/2018 về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện”. của Bộ Y tế. Khi có nhận thấy những biểu hiện bất thường trên vật nuôi chó, mèo (như: ốm, chết...) cần báo ngay đến cơ quan Thú y và Y tế để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dại nói riêng và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng  nói chung. Đây là một trong những kênh thông tin giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm nhất những biểu hiện của dịch bệnh có khả năng bùng phát để kịp thời đưa ra những khuyến cáo cần thiết cho cộng đồng./.   

BSCKI.Phạm Hồng Thanh (ĐT: 0918 144 259)

Phòng Kế hoạch nghiệp vụ - Trung tâm Y tế TP.Long Xuyên

 

  

                               

 

                     

(Ảnh: sưu tầm)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức y tế