Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân
Dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước. Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể lây rất nhanh từ trẻ này sang trẻ khác qua các chất tiết mũi miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh, chất dịch từ các bóng nước của trẻ bệnh bị vỡ ra.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh biểu hiện ban đầu bằng sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi bóng nước.
Bóng nước trong miệng thường thấy ở lợi, lưỡi và mặt trong của má. Ban đầu là những chấm đỏ xuất hiện 1 - 2 ngày sau khi sốt, tiến triển thành bóng nước vỡ ra thành vết loét.
Bóng nước cũng xuất hiện ở da, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân...
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng trở nặng
Đối với những trẻ đang được điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà, các phụ huynh hãy đặc biệt chú ý, nếu trẻ có một trong các dấu hiệu trở nặng sau, thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế:
- Giật mình, hốt hoảng, chới với (trẻ nẩy người, mở mắt rồi liu thiu ngủ lại).
- Sốt trên 02 ngày hay sốt cao.
- Khó ngủ hoặc ngủ li bì.
- Quấy khóc liên tục.
- Da nổi vân tím, yếu tay chân, mạch nhanh.
- Run giật tay chân, co giật.
- Nôn ói nhiều, bỏ bú.
Biện pháp phòng bệnh tay chân miệng
Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần đảm bảo: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt... của trẻ. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cách ly trẻ mắc bệnh tại nhà. Không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh, để tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng. Để chủ động phòng bệnh, ngành Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện nguyên tắc 03 sạch, như sau:
1. Bàn tay sạch: Người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ. Cần rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tả và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Ăn uống sạch: ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Ở sạch: Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập; tay nắm cửa, tay vịn cầu thang; mặt bàn, ghế và sàn nhà.
Bs. Phan Anh Khoa
Khoa TT-GDSK, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật An Giang