Trung tâm Y tế thành phố Long Xuyên tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, 15/6
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh nhất trên toàn thế giới. Trong 5 thập kỷ qua, số ca mắc SXH toàn cầu đã tăng gấp 30 lần và trở thành gánh nặng đối với dân số, hệ thống y tế và kinh tế của hầu hết các quốc gia vùng nhiệt đới
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh nhất trên toàn thế giới. Trong 5 thập kỷ qua, số ca mắc SXH toàn cầu đã tăng gấp 30 lần và trở thành gánh nặng đối với dân số, hệ thống y tế và kinh tế của hầu hết các quốc gia vùng nhiệt đới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm toàn thế giới có 3,9 tỉ người ở 128 quốc gia có nguy cơ bị nhiễm vi rút SXH, 390 triệu người nhiễm, 96 triệu người bệnh nặng. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương gánh 75% gánh nặng toàn cầu do bệnh SXH gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương nhận định SXH ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kinh tế và toàn xã hội, buộc chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm về nó. Cá nhân, cộng đồng, tổ chức tư nhân cũng như cơ quan nhà nước cần chung tay hành động chống lại bệnh sốt xuất huyết. Nhằm nâng cao trách nhiệm, vai trò của cộng đồng, chính quyền các cấp, các ngành… không phải chỉ Việt Nam mà còn được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN. Để kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng, chống SXH cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có SXH, tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore vào tháng 7 năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua quyết định quan trọng thống nhất chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết”.
Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Muỗi vằn khi đốt người bệnh sẽ mang và truyền vi rút gây SXH sang người lành khi muỗi đốt. Bệnh SXH hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt lăng quăng, diệt muỗi và không cho muỗi đốt. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.
* Dấu hiệu nhận biết bệnh SXH:
- Sốt cao đột ngột, liên tục 02 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt;
- Có dấu hiệu xuất huyết (từ ngày thứ 2, 3 trở đi): có dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da; chảy máu chân răng, mũi; nôn hoặc tiêu, tiểu ra máu;
- Người mệt mỏi;
- Đau: đầu, sau hốc mắt, bụng, cơ, khớp.
* Dấu hiệu SXH nguy hiểm cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất:
- Ói nhiều, đau bụng nhiều;
- Có những dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam; chảy máu chân răng; ói ra máu; đi cầu phân đen; xuất huyết âm đạo ở nữ;..
- Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt.
* Để phòng bệnh SXHD chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, nơi sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.
2. Lật úp các lu, hũ, xô, lọ, chai cũ khi không dùng đến.
3. Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
4. Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
5. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
6. Sử dụng bình xịt, hương, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Để chủ động và tăng cường công tác phòng, chống SXH tại địa bàn TP.Long Xuyên, Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết, 15/6, trong tháng 5/2024, Trung tâm Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết, đợt 3/2024, tham mưu Ủy ban nhân dân TP.Long Xuyên phê duyệt và triển khai thực hiện, cụ thể:
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 21 - 23/5/2024.
- Địa bàn triển khai: Tại 07 khóm/ấp của 07 phường, xã (bao gồm: khóm Bình Đức 1/phường Bình Đức; khóm Bình Khánh 3/phường Bình Khánh; khóm Long Hưng 1/phường Mỹ Thới; khóm Đông Thịnh 8/phường Mỹ Phước; khóm Tây Khánh 6/phường Mỹ Hòa; khóm Đông Thạnh A/phường Mỹ Thạnh và ấp Mỹ Long 1/xã Mỹ Hòa Hưng. Dự kiến: tổng số hộ cần vãng gia là 7.833 hộ.
Với mục đích là nhằm nâng cao nhận thức người dân trong chủ động phòng chống dịch bệnh SXH. Huy động cộng đồng tham gia diệt lăng quăng, diệt muỗi vằn, nhằm hạ thấp mật độ côn trùng truyền bệnh SXH trong thời gian ngắn để giảm sự lan truyền bệnh, khống chế không để dịch SXH lan rộng và góp phần giảm tỷ lệ mắc, nguy cơ bùng phát dịch tại các phường (xã), khóm (ấp) thuộc địa bàn TP. Long Xuyên nói riêng và tỉnh An Giang nói chung./.
BSCKI.Phạm Hồng Thanh (ĐT: 0918 144 259), Phó Phòng KHNV
ThS.Đoàn Bé Năm (ĐT: 0949 744 113), Phó khoa KSBT-HIV
(Ảnh: sưu tầm)